Lịch sử dân tộc ta đã lưu danh nhiều bậc thầy “đức cao vọng trọng”, những tấm gương sáng ngời về cốt cách thanh cao. Những bậc thầy ấy đã làm rạng danh nền giáo dục nước nhà, để lại trong tâm hồn người Việt Nam sự kính trọng và ngưỡng mộ. Đó là Chu Văn An, tấm gương về người thầy tài hoa mẫu mực đã chở bao thế hệ học trò qua sông, làm giàu có nền văn hiến của một dân tộc, được tôn vinh đến muôn đời. Sự liêm khiết, chính trực và công tâm của thầy giáo Chu Văn An như nhắc nhở những thế hệ nhà giáo luôn vì sự tiến bộ của giáo dục, sự nâng cao dân trí mà không ngừng phấn đấu để làm phong phú và dồi dào nguồn nguyên khí quốc gia. Không phải chỉ 6 thế kỷ qua, mà hàng thiên niên kỷ sau có lẽ người ta vẫn không thôi nhớ đến vị “Thánh văn” suốt đời chở đạo này bởi những công lao và tiếng thơm về ông đã khắc sâu trong tâm tưởng mỗi người dân Việt từ thuở ấu thơ.
Lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Người đã khai sáng tâm hồn học trò về đạo lý, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Các thế hệ học trò của Người không những cùng Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tiếp tục con đường Người đã chọn, những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Trường Chinh… trước khi trở thành nhà lãnh đạo tài ba của đất nước đã từng làm nghề “ươm mầm xanh” ở nhiều trường học. Những bậc thầy đáng kính ấy không chỉ cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân viết nên những chiến công chói lọi ở thế kỷ XX mà còn từng bước đưa nền giáo dục nước nhà sánh vai cùng bạn bè năm châu.
Hay, đó là nhà giáo Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Ngọc Ký… và biết bao tấm gương người thầy đã trở thành thần tượng, làm rung động triệu triệu trái tim, khối óc các thế hệ học sinh, sinh viên trong và ngoài nước. Tên tuổi nhiều nhà giáo đã được dùng đặt tên cho các trường học, đường phố, công trình, giải thưởng của các cuộc thi và trở thành biểu tượng sáng ngời về trí tuệ, nhân cách người thầy.
Trong những cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, lớp lớp thầy giáo trẻ theo tiếng gọi của lý tưởng cách mạng cao đẹp đã ra trận, cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cùng các thế hệ cha anh viết nên bản hùng ca bất tử, khắc ghi tên mình vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Ở lại hậu phương, các thế hệ người thầy tiếp tục truyền lửa đến học trò, để rồi từ bục giảng, chính các thầy cô lại khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc, nuôi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên.
Ngày nay, đất nước hòa bình, thống nhất, vượt lên bao vất vả, lo toan của cuộc sống thường nhật, hình ảnh người thầy vẫn hiện lên sáng ngời, kiên trì thắp lửa, truyền đạt tri thức, sưởi ấm tâm hồn thế hệ tương lai với nghĩa cử cao đẹp “tất cả vì học sinh thân yêu”. Nhiều thầy, cô giáo đã không quản ngại nắng mưa, tình nguyện “cõng chữ lên non”, mang ánh sáng của con chữ đến với học sinh và kiến thức xây dựng kinh tế đến đồng bào miền núi, biên giới, hải đảo giúp họ vượt lên rào cản hủ tục, thoát khỏi cái nghèo, cái đói. Trang giáo án miệt mài suốt đêm khuya; bàn tay, mái tóc trắng màu bụi phấn; dẫu còn lắm gian nan nhưng người giáo viên yêu và gắn bó với nghề như tình cây với đất. Các thầy cô đã và đang tiếp bước, từng ngày phát huy những phẩm chất đạo đức của người giáo viên nhân dân:
“Tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng, trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ...Em đi gieo hạt giống đẹp bao tâm hồn, noi gương anh hùng cách mạng chiếu sáng ngời”
Khi cả nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng ta coi giáo dục là “Quốc sách hàng đầu”. Nhưng mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện. Do vậy, vị trí, vai trò, trọng trách của người thầy càng hết sức quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước cũng như hình ảnh, vị thế của Việt Nam. Sứ mệnh của người thầy hôm nay vừa đảm đương trọng trách đào tạo ra nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững vừa góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành nhân cách con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có tinh thần tự hào với truyền thống văn hoá, lịch sử ngàn năm của dân tộc.
Để thực hiện tốt sứ mệnh trồng người thiêng liêng, mỗi nhà giáo cần phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm vinh quang, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư cuối cùng gửi cho ngành giáo dục tháng 10 năm 1968: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt” nâng cao hơn nữa phẩm chất đạo đức nhà giáo trong giai đoạn hiện nay để xứng đáng với niềm tin và sự kì vọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân.
Dẫu xưa hay nay, nghề giáo luôn song hành với hai từ “Cao quý!”.
Ánh Nguyệt B11-D40 - Nội san "Người cảnh sát trẻ"