Bão ngầm

Viết về người lính Công an nhân dân, hiếm có ai đi khai thách những mảnh đời riêng tư, đời sống nội tâm bên trong người lính; người ta thường đi khai thác những cái đẹp, những khía cạnh bề ngoài mà quên đi rằng “nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối”. Những tác phẩm ấy tô hồng cho hình tượng người lính mang bản chất lạnh lùng, sắt đá trước kẻ thù. Lạc vào trong những câu chuyện được tô hồng ấy, tiểu thuyết “Bão ngầm” của Trung tá Đào Trung Hiếu lại kể về một trận chiến, mà trong đó con người như nhòa đi trước những quy luật của đời người, người chiến sĩ tưởng chừng như gục gã trước những khó khăn, cảm tính dục vọng và khát khao hạnh phúc. Nhưng tiểu thuyết lại được phủ lên bằng một lòng nhân sinh sâu sắc. Đọc bão ngầm của tác giả Đào Trung Hiếu, không ít lần tôi lật đi lật lại một trang bởi có những đoạn miêu tả thực sự chân thực về hình tượng người lính Công an nhân dân trong thời đại mới, những người lính ấy như đang công hiến tuổi xuân rực cháy cho nhân dân, cho Tổ quốc.

Cuộc sống còn những gam màu tối, người dân còn bị uy hiếp, đe doạ bởi tội phạm, thì công việc của họ vẫn tiếp tục, không ngừng nghỉ. Đó là hành trình càng lúc càng khốc liệt, dưới áp lực diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm. Trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng ấy, phẩm chất của người chiến sỹ Công an nhân dân được hiện ra đầy đủ nhất. Không chỉ quả cảm trong chiến đấu, băng mình qua lửa đạn xả thân vì nghĩa lớn, mưu trí gan góc trước những mưu ma chước quỷ của bọn tội phạm, bản lĩnh của người chiến sỹ Công an cách mạng còn thể hiện trong cuộc chiến đấu với chính mình, để gìn giữ sự liêm chính trước những cám dỗ, những “viên đạn bọc đường”, những cái “cạm bọc nhung” mà thế giới tội phạm giăng ra, chờ họ sa bước.

Mở đầu cuốn tiểu thuyết, tác giả mở ra một quang cảnh núi rừng âm u, ẩm ướt trong mùa mưa: “Mưa rả rích cả tuần, da trời thâm bầm xám ngoét như môi thằng nghiện. Đồi lúp xúp, đìu hiu trong chiều lạnh. Những rạch chè dài hun hút đến vô tận. Lẻ loi những thân cọ chơ vơ, tán lá ủ dột trĩu xuống vì nước, chốc chốc lại rùng rùng, đành đạch khi có đọn gió dưới thung lũng hất lên”. Với những từ ngữ đặc tả, tác giả đã vẽ nên một bức tranh của một khu đồi rừng ẩm ướt và đầy rẫy những nguy hiểm đang rình rập. Nhưng trong tăm tối của ngoại cảnh ấy như bừng sáng lên một hình tượng thiêng liêng nhưng cũng rất cô đơn và đau đớn: Một người mẹ đang vật lộn với những cơn đau để chào đón sinh linh bé bỏng của mình. Trong không gian tĩnh mịch, rùng rợn ấy “Tiếng khóc tức tưởi bật ra từ lồng ngực người mẹ trẻ, không chỉ vì cơn đau đứt ruột, mà ai oán như phủi phận, xót xa đến cùng cực”.

Toàn tiểu thuyết “Bão ngầm” như dòng chảy của một vụ án, có những khoảnh khắc êm đềm, im lặng; nhưng cũng có những chương những đoạn như một sức căng; ấy là sức căng của tâm hồn, là sức căng trước những tình huống bất ngờ mà người chiến sĩ gặp phải, đó cũng là sức căng của lòng độc giả khi nhân vật rơi vào tình thế hiểm nghèo. “Bão ngầm” là tiểu thuyết nói về một chuyên án lớn, chuyên án triệt phá đường dây buôn bán ma túy của tên trùm cầm đầu tên Thiệp. Nhân vật chính là Trung úy Hoa - một cô nữ cảnh sát được cử trinh sát nội tuyến trong lòng địch, cũng từ đây tình yêu của cô chớm nở, những xung đột gay gắt nội tâm luôn thường trực trong cô cho tới khi chuyên án kết thúc. Tiểu thuyết không theo một trật tự thời gian, mà ở mỗi chương, mỗi phần tác giả như lia ống kính của mình tới những cảnh tượng khác nhau để có một cái nhìn bao quát và đúng đắn nhất của những người trong cuộc để tìm ra những đốm sáng trong tâm hồn họ thông qua đó có cái nhìn thẳng thắn, trực quan để thấy được những xung đột nội tâm bình thường của con người.

Hoa, một cô gái can đảm, yêu nghề Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy. Tuấn, một chiến sĩ Công an mưu trí, dũng cảm, hết lòng vì công việc. Họ tình cờ gặp nhau, yêu nhau và trở thành đồng đội của nhau, nhưng số phận run rủi đưa họ vào một chuyên án ma túy lớn. Để tiếp cận và tìm hiểu ông "trùm" của tổ chức này, Hoa phải đóng giả thành người yêu của em trai ông "trùm", còn Tuấn luôn theo sát người yêu vừa để bảo vệ, vừa để lấy thông tin chuyển về đơn vị. Những yêu cầu khắt khe của công việc cuốn họ đi, khiến họ không có thời gian ở bên nhau. Và rồi cuộc sống xa hoa, vương giả và sự quan tâm hết mực của người tình đã cuốn dần Hoa xa rời tổ chức và người yêu. Diễn biến tâm lí của Hoa được khắc họa rõ nét trong từng câu chữ. Thông qua đây, có thể thấy được chất hiện thực được tác giả đưa vào đưa con tinh thần của mình. Hoa là một chiến sĩ cảnh sát, nhưng cũng là một con người bình thường, là một người con gái. Trước những cám dỗ, những tình cảm thật lòng, người con gái ấy như quên đi nhiệm vụ của mình, trở thành kẻ phản bội người yêu để có những phút giây đắm đuối bên người em trai của ông “trùm”. Phải chăng, cũng từ những tình huống ấy, tác giả muốn đẩy  diễn biến tâm lí nhân vật đi xa hơn, đời thực hơn. Câu chuyện để lại những tiếc nuối và xót xa cho thân phận của một người con gái xinh đẹp, giỏi giang nhưng không tránh được những quy luật luẩn quẩn của cuộc sống đời thường.

Những cũng thông qua tình huống ấy, tác giả đã phát hiện ra những điểm sáng trong Hoa, những tin nhắn cuối cùng báo tin cho đồng đội có thể thấy được trong Hoa vẫn âm ỉ một ngọn lửa nhiệt huyết nào đó đã bị lớp tro tàn tầm thường che lấp đi. Cung chính bởi lớp tro tàn ấy, cuộc sống của Hoa rẽ theo một lối đi khác, khó khăn và hờn tủi hơn nhiều.

Đọc Bão ngầm, không chỉ có tuyến phản diện được tả đậm, hình tượng người chiến sỹ Công an sống trong sáng, suốt đời liêm chính, phụng công...được Nhà văn Đào Trung Hiếu khắc hoạ rất đậm nét. Đó là Giám đốc Thành, Trưởng phòng Hà, Đội trưởng Thắng...luôn mang trong mình lòng yêu nghề, yêu ngành một cách thuần khiết. Với mưu trí, kinh nghiệm của những người lính lão luyện, từng trải... họ là ngọn đuốc, là ánh sáng dẫn đường, soi rọi cho bao thế hệ trẻ xông pha.

Cuộc chiến chống tội phạm ma túy quá khắc nghiệt, mỗi bước đi của người chiến sĩ CAND đều nằm giữa ranh giới sự sống và cái chết, vinh quang và cay đắng. Tội phạm không chỉ đón họ bằng những loạt đạn đồng khi chống trả, mà còn giăng đầy những cạm bẫy bọc nhung. Hiểm nguy hay cám dỗ, đều là liều thuốc thử đặc hiệu nhất giúp soi tỏ bản chất con người. Không thiếu những người xông xáo khi chiến đấu, nhưng lại chịu thúc thủ, gục ngã trước tiền và quyền. Khi ấy, những lớp vỏ rụng lả tả, bộc lộ mặt trần không son phấn… Một xã hội thu nhỏ với đầy rẫy những tiêu cực, xấu xa được tác giả "Bão ngầm" khéo léo lồng ghép trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Trong cuộc chiến này, sự nguy hiểm từ súng đạn không đáng sợ bằng chính những cám dỗ của đồng tiền, của danh lợi… Mâu thuẫn sự việc lên đến tột cùng, khiến người đọc như bị cuốn theo những diễn biến sự việc khó lường trong mỗi chương tiểu thuyết và hồi hộp chờ đợi những chương tiếp theo.

“Bão ngầm" hấp dẫn người đọc bởi cách kể chuyện dí dỏm, hấp dẫn nhưng không kém phần mềm mại của tác giả. Mỗi chương tiểu thuyết là câu chuyện về một nhân vật, một sự kiện khác nhau, tưởng như không liên quan đến nhau, nhưng càng về sau, tác giả càng khéo léo khi xâu chuỗi lại các sự kiện, các tuyến nhân vật, để rồi cảm xúc như bùng nổ khi người đọc bị lôi cuốn vào hành trình phá án li kì, hấp dẫn như phim hành động của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy. 

Có thể nói, trong mỗi tác phẩm văn chương, các tác gỉa luôn để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả mọi thời bằng những chi tiết, những hình ảnh đắt giá mang nhiều ý nghĩa biểu trưng. “Bão ngầm” cũng là một tiểu thuyết như vậy. Gấp lại những trang sách của “Bão ngầm” là gấp lại một câu chuyện về một chuyên án lớn triệt phá đường dây buôn bán ma túy, khép lại câu chuyện về một người con gái đã mang trong mình cốt nhục của những người mình từng chiến đấu; nhưng lại mở ra trong tâm hồn người đọc những suy tư, những triết lí, những nỗi băn khoăn về thân phận người phụ nữ kia. Họ đã sống có lí tưởng, có trách nhiệm khát khao và hoài bão, nhưng họ lại vướng vào những vấp ngã của đời thường. Rõ ràng, tác giả Đào Trung Hiếu đã gieo vào lòng bạn đọc một niềm cảm thông sâu sắc, hơn thế nữa ấy là những sự thấu hiểu của tác giả về những nỗi lòng thầm kín, những diễn biến tâm lí bên trong ai cũng gặp phải, cũng vấp ngã theo quy luật , thứ mà tác giả gọi đó là “bão ngầm”.

Việt Linh

 

Gửi cho bạn bè

Học viện CSND tiến hành khảo sát, đánh giá về nguyên nhân, điều kiện của các tội phạm xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa Học viện CSND tiến hành khảo sát, đánh giá về nguyên nhân, điều kiện của các tội phạm xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Học viện CSND tiến hành khảo sát, đánh giá về nguyên nhân, điều kiện của các tội phạm xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Từ ngày 24 đến 25/4/2024, tại tỉnh Thanh Hóa, Học viện CSND đã phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành chương trình khảo sát, đánh giá về nguyên nhân, điều kiện của các tội phạm xảy ra trên địa bàn tỉnh và đánh giá việc chấp hành...